Sinh viên Việt Nam: Ý thức chống đạo văn gần như bằng 0
Thói quen phổ biến nhất của các sinh viên, học viên khi làm luận văn, luận án tốt nghiệp là tìm lại sản phẩm của các sinh viên khoá trước có cùng đề tài để “tham khảo”.
Nếu “tham khảo” theo hướng kế thừa và phát triển đề tài thì không có gì đáng nói. Nhưng không ít sinh viên sử dụng các tài liệu này như một nguồn liệu để “xào nấu” cho bài viết của mình. Việc sao chép nguyên si từ một vài câu tới một vài trang văn bản của người khác mà không có trích dẫn đầy đủ là không hiếm. Đó là mới chỉ tính ở bậc sau đại học.
Nếu tính ở bậc đại học, với những bài tập lớn, đồ án, tiểu luận thì hiện tượng này là… “khủng khiếp”.
Đó là tính từ mà ông Ngô Quý Nhâm, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội sử dụng để miêu tả mức độ nghiêm trọng của tình trạng đạo văn trong trường đại học Việt Nam.
“Ngay cả ở những trường tốt, có chương trình liên kết với nước ngoài, viết và trả bài bằng tiếng Anh thì ý thức chống đạo văn của sinh viên cũng rất thấp, mặc dù yêu cầu về đạo văn đối với cấp đại học, cao học không cao như ở ngành nghiên cứu”.
Nguyên nhân chính, theo ông, là “có ai nói với các em đâu”.
“Nếu nói vui thì hồi học phổ thông, các em còn được dạy phải làm theo văn mẫu. Khi lên đại học, viết bài luận cũng gom ý ở các nguồn khác nhau ghép lại cũng đã là tốt lắm, đã là coi như có công sức của mình rồi. Từ đó tạo thành một thói quen cứ vô tư lấy, miễn là ‘xào nấu’ thành bài của mình là được” – ông chia sẻ.
“Trong tiếng Anh có một khái niệm gọi là ‘original work’, nghĩa là công sức của tác giả đóng góp vào bài viết đó. Chúng ta đang chưa khuyến khích được điều đó. Nói đúng ra, nỗ lực khuyến cáo, cảnh cáo, trừng phạt hành vi đạo văn gần như là con số 0 trong các trường đại học” – vị giảng viên này khẳng định.
Ông kể một ví dụ: Một luận văn từng bị phát hiện đạo văn, đề nghị hội đồng xử lý, nhưng rồi “lại có người ra vỗ vai bảo thôi, lại bỏ qua”.
“Thậm chí, mới đây, tôi cùng một nhóm bên Bỉ, Pháp phát hiện ra một luận án tiến sĩ ở một trường đại học hàng đầu Việt Nam sao chép nguyên si vài trang trên báo Vietnamnet, chứ không phải là từ tạp chí khoa học. Cuối cùng vẫn được bao che. Như thế thì trông chờ gì đối với bậc cử nhân” – ông nói.
Nói về vấn đề này, giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, thạc sĩ giáo dục, khoa Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ câu chuyện hết sức buồn mà cô vừa chứng kiến trong học kỳ vừa qua.
“Tôi đã rất sốc khi dạy sinh viên năm 2 các học phần khác nhau, trong đó có học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục. Mặc dù được dạy và cả cảnh cáo trước về việc nghiêm cấm các hành vi gian lận, trong đó có đạo văn, nhưng khi chấm bài, tôi phát hiện có lớp tới 70% sinh viên vi phạm”.
“Tôi kiên nhẫn đánh máy lại (do sinh viên nộp bài bằng bản in) để dò trên google và đều tìm thấy bằng chứng sao chép bài người khác của sinh viên. Rất nhiều em chép nguyên văn, không sửa một từ của tác giả khác. Thậm chí, khi tôi cho điểm 0 thì sinh viên gửi email lại thắc mắc và không nhận ra mình đã phạm một lỗi rất nặng”.
Theo cô Huyền, thực tế, sinh viên Việt Nam chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về vấn đề đạo đức học thuật và khoa học. Vì chưa được trang bị, thậm chí là giới thiệu qua về đạo đức khoa học nên nhiều em không biết để mà tuân thủ.
Cô Huyền nhìn nhận, ngay cả học viên cao học, nghiên cứu sinh và người làm nghiên cứu lâu năm cũng có không ít người vẫn còn mù mờ về các quy chuẩn đạo đức khoa học. Do đó, khó có thể trách được sinh viên.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, sinh viên được biết nhưng vẫn phớt lờ do sự thiếu đồng bộ của các giảng viên hoặc từ trước tới nay, từ thời phổ thông đã được giáo viên châm chước những lỗi gian lận quá nhiều.
Trường Tây: Không khí chống đạo văn trong từng ngõ ngách
Giảng viên Ngô Quý Nhâm cho biết, khi anh còn học ở Anh, Pháp, các phòng IT, thư viện của họ liên tục xuất hiện những dòng chữ “hướng dẫn, cảnh báo đạo văn”.
“Khắp nơi, trong khuôn viên trường đại học của họ đều có những dòng chữ như vậy. Nhưng ở các trường Việt Nam thì không có. Tìm tài liệu hướng dẫn tránh đạo văn thôi cũng khó. Còn bây giờ, khi tôi đang làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của một giáo sư người Pháp, nộp bài mà chỉ có vài phần trăm trùng lặp là các thầy đã tỏ ra không hài lòng”.
Giảng viên này cũng từng chứng kiến câu chuyện một người bạn sao chép ý tưởng và cấu trúc một cuốn sách khi làm bài luận thời kỳ anh vẫn đang học Thạc sĩ bên Anh cách đây hơn chục năm. “Khi về nước, tôi bị câu chuyện đó ám ảnh và thôi thúc mình phải làm nghiêm túc”.
Cũng từng học thạc sĩ ở Trường Quản lý IESEG (Pháp), anh Bùi Trí Hùng cho biết, các trường ở đây đều rất coi trọng đạo đức trong học thuật, thậm chí ở cấp môn học cũng không được có hành vi sao chép.
“Học sinh, sinh viên bên đó cũng chấp hành rất nghiêm chỉnh. Nếu không biết thì tự viết theo suy nghĩ của mình, chứ không lấy kiến thức của người khác làm thành của mình” – anh Hùng nói.
“Có lần, trong nhóm tôi bị phát hiện có một người đạo văn. Đáng ra là bị đánh trượt cả nhóm. Nhưng vì sinh viên không chấp nhận quyết định đó của thầy, nên cuối cùng thầy cho cả nhóm chỉ đạt điểm trung bình”.
Những câu chuyện trên đây để cho thấy ở các nước tiên tiến, đạo văn kể cả ở bậc đại học cũng bị đánh giá là một hành vi vi phạm nghiêm trọng và bị xử phạt rất nặng. “Nhẹ là huỷ kết quả bài viết, nặng thì cho nghỉ học. Trong khi ở ta, việc xử phạt gần như không có” – ông Ngô Quý Nhâm nhận xét.
Môi trường học thuật ‘tranh sáng tranh tối’
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nơi chị đang công tác, nhờ nỗ lực của một số giảng viên – phần lớn là những người đi học nước ngoài về - nhiều sinh viên đã được giới thiệu về đạo đức học thuật và vấn đề chống đạo văn.
Các giảng viên đó thường giới thiệu vào đầu các học phần, hoặc trong quá trình hướng dẫn sinh viên làm bài tập nghiên cứu, khoá luận.
"Tuy nhiên, biết thôi chưa đủ, ý thức tự kiểm soát chính mình để thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn đạo đức khoa học từ sinh viên mới quan trọng. Trường tôi có cung cấp hướng dẫn về trích dẫn khi viết luận văn, luận án, bài báo khoa học. Nhưng có vẻ các hướng dẫn này mới tiếp cận học viên sau đại học và giảng viên, mà chưa tới được với sinh viên”.
Cô cho biết, bản thân các giảng viên cũng chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của các quy định này với hoạt động học thuật hàng ngày của sinh viên. Các quy định về tiêu chuẩn đạo đức khoa học cũng chưa có, hình thức xử lý cũng chưa nêu cụ thể qua văn bản. Trường cũng chưa có phần mềm kiểm tra lỗi đạo văn cho giảng viên lẫn sinh viên.
TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên – chuyên gia độc lập nghiên cứu giáo dục đại học – đánh giá, hiện nay có khoảng cách rất lớn về cả hiểu biết lẫn ý thức chống đạo văn giữa nhóm các nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài và các nhóm các giảng viên và học giả được đào tạo trong nước.
“Với nhóm thứ nhất, vì hướng đến hội nhập với giới nghiên cứu quốc tế thông qua hợp tác nghiên cứu và xuất bản bài báo khoa học chuyên ngành trên tạp chí quốc tế, họ có ý thức rất cao trong việc tránh vi phạm đạo văn và chống đạo văn. Họ hiểu 'bản án' mà mình nhận được nếu vi phạm sẽ là rất đắt. Hơn nữa, được đào tạo trong môi trường nghiêm ngặt về đạo đức nghiên cứu và đạo đức nghề nghiệp, tự mỗi bản thân họ hiểu giá trị của mỗi công trình khoa học, nên có lòng tự trọng, có niềm kiêu hãnh để khẳng định bản thân và không đi sao chép không phù hợp công trình của người khác.
Ngược lại, với nhóm thứ 2, khái niệm đạo văn và liêm chính học thuật còn mới mẻ. Không phải trường đại học nào cũng đưa ra được quy định về đạo văn và đạo đức nghiên cứu. Với rất nhiều giảng viên, thậm chí giáo sư, phó giáo sư cũng không nắm rõ thế nào là đạo văn, tự đạo văn, kéo theo ý thức chống đạo văn không tốt. Vẫn có một số người biết rất rõ đạo văn là gì nhưng họ vẫn làm, do môi trường học thuật nói chung còn đang "tranh sáng, tranh tối".
Theo TS Quyên, đáng tiếc là nhóm thứ 2 chiếm số lượng áp đảo, nên có thể nói khoảng cách giữa Việt Nam và các nước Tây Âu, Mỹ, Australia là rất lớn.
“Có thể nói, việc chống đạo văn của chúng ta mới chỉ chập chững về khái niệm. Còn ở những hệ thống này, từ nhiều thập kỷ nay, việc chống đạo văn đã được thực hiện tương đối triệt để, đảm bảo không để lọt lưới đạo văn ở tất cả các hình thức xuất bản từ bài luận, luận văn, luận án ở đào tạo đại học đến cao học, tiến sỹ, và các bài báo khoa học. Các công cụ chuyên dụng để phát hiện đạo văn như Turnitin, iThenticate, hoặc Grammarly. Khoá luận, hay luận văn, luận án khi nộp đều phải nộp bản mềm để chạy qua các phần mềm này trước khi được chấm và thông qua” – TS. Quyên chia sẻ.