Theo đó, mức độ tiếp nhận của học sinh thông qua đánh giá của giáo viên, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất cho các quyết định sư phạm của nhà trường.
VFIS là trường học xây dựng, phát triển dựa trên các triết lý giáo dục then chốt của Phần Lan. Việc dạy học trực tiếp, trực tuyến đều không thể xa rời các triết lý này.
Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh, phải đóng cửa trường, thì VFIS đã quyết định: Việc học tại VFIS sẽ vẫn tiếp tục, bất kể dưới hình thức nào, bất kể ở nơi nào. Học mọi lúc, mọi nơi vốn dĩ là tinh thần của VFIS.
Do đó, đội ngũ sư phạm của nhà trường đón nhận việc học trực tuyến với tâm thế tích cực. Học sinh cần duy trí thói quen học tập, kiến thức và kỹ năng đã được hình thành từ đầu năm học.
Bên cạnh đó, việc học online còn mang đến cơ hội phát triển các năng lực khác cho học sinh. Vì vậy, từ ngày 4/2, học sinh của VFIS chính thức bước vào học trực tuyến.
Trong đại dịch Covid-19, VFIS chính là một trong những trường phổ thông đầu tiên tiến hành chuyển đổi hình thức từ học trực tiếp sang trực tuyến.
Về mục tiêu dạy học, VFIS xác định sẽ phát triển cho học sinh 7 năng lực tổng quát theo chương trình giáo dục Phần Lan:
(1) Năng lực suy nghĩ và sử dụng phương pháp học; (2) Năng lực hiểu biết văn bản, hợp tác và thể hiện; (3) Năng lực thực hiện các hoạt động sống hàng ngày; (4) Năng lực thông hiểu thông tin đa dạng; (5) Năng lực thông hiểu ứng dụng công nghệ thông tin; (6) Năng lực khởi nghiệp và làm việc; (7) Năng lực tham gia, đóng góp tích cực và xây dựng tương lai bền vững.
Nếu trong học tập trực tiếp, năm học này, VFIS nhấn mạnh vào mục tiêu 1, 2, 4 thì nay với hoàn cảnh học tập trực tuyến, VFIS đẩy mạnh mục tiêu số 3, 5, 7. Điều này có nghĩa là 7 mục tiêu năng lực luôn được thực hiện, nhưng các mục tiêu ưu tiên được điều chỉnh.
Chẳng hạn năng lực số 7, đại dịch đang trở thành cơ hội tuyệt vời để học sinh thấu hiểu về vai trò của mình đối với cộng đồng. Mỗi cá nhân, bằng việc làm nhỏ bé của mình như giữ gìn sức khỏe, thực hành các biện pháp vệ sinh an toàn cũng là một đóng góp lớn cho cộng đồng.
Giáo viên khuyến khích học sinh vẽ tranh, viết thư để cổ vũ tinh thần chống dịch cho mọi người, lan tỏa năng lựợng tích cực. Sự lo lắng của phụ huynh về các nội dung của bài học bị bỏ lỡ, thực chất không nghiêm trọng trong mắt giáo viên.
Điều quan trọng là học sinh có tham gia học trực tuyến bằng tất cả sự nghiêm túc của các em, thì các năng lực đã nói ở trên đều có cơ hội để phát triển.
Về chương trình dạy học online, ngay từ lúc bắt đầu, VFIS đã hướng đến việc ôn tập củng cố kiến thức đã học, học tiếp các bài mới theo chương trình năm học.
Cho tới giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ đạo việc học online, yêu cầu cắt giảm chương trình, còn tại VFIS, chủ trương này đã được thực hiện từ đầu tháng 2.
Tuy nhiên, nhờ bắt đầu sớm, song song với việc dạy bài mới, VFIS có nhiều thời gian để ôn tập hơn sau mỗi bài học cho học sinh. Ban đầu, lượng bài học và bài tập mới của giáo viên giao cho học sinh khá nhiều, khiến cho phụ huynh và học bối rối do chưa quen với các ứng dụng công nghệ, cũng như chưa thu xếp được lịch trình sinh hoạt của gia đình để hoàn thành.
Thế nhưng, sau đó, nhà trường đã lắng nghe ý kiến phản hồi của phụ huynh, để điều chỉnh lại lượng bài yêu cầu chung. Những học sinh nào mong muốn nhận thêm bài tập, thì giáo viên cũng cung cấp dưới dạng tự chọn.
Về cách thức tổ chức các lớp học online, nền tảng Google được lựa chọn do tính quen thuộc, đơn giản và thuận lợi của nó. Tại thời điểm mà tất cả mọi người chưa biết dịch bệnh kéo dài bao lâu, việc học trực tuyến ban đầu được xem là tạm thời, thì lựa chọn dùng nền tảng Google miễn phí của VFIS là hợp lý.
Đúng một tuần sau khi học online, các lớp học Google được mở, giáo viên đăng bài học theo đúng thời khóa biểu thực tế hàng tuần, ở gần như tất cả các môn học.
Cho tới nay, VFIS không chuyển đổi sang các nền tảng khác vì: Học sinh, phụ huynh, giáo viên chỉ vừa mới thành thạo với các công cụ này. Nếu VFIS chuyển đổi sang các nền tảng trực tuyến khác chỉ khiến cho việc học bị gián đoạn.
Công cụ công nghệ chỉ là phương tiện, hiệu quả dạy học chính là đến từ chương trình, các bài học, phương pháp dạy của giáo viên, mức độ tự giác, tính kỷ luật của học sinh và mức độ hỗ trợ của phụ huynh.
Nhiều trường học tại Phần Lan, Mỹ và Úc…cũng sử dụng nền tảng Google để dạy học. Nếu việc học trực tuyến tiếp tục cho đến năm học sau, thì VFIS sẽ xem xét để có những nền tảng chuyên nghiệp, giao diện thân thiện hơn, hoạt động tốt hơn trên nhiều thiết bị điện tử.
Các ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến tại VFIS là không giới hạn. Nền tảng Google cho phép tích hợp hầu hết các ứng dụng khác. Ngay cả dùng Google forms, thì giáo viên cũng có thể tạo ra các bài kiểm tra nhanh (quiz), trong đó có các câu hỏi bằng chữ, hình ảnh, video.
Ứng dụng Flipgrid cho phép học sinh ghi hình mình thành video, chỉ bằng cách bấm vào dấu + trên màn hình, có thể gửi ngay cho giáo viên. Nhờ vậy, rất nhiều bài tập thể dục vẫn được thực hiện.
Giáo viên soạn thảo bài dạy bằng Power Point, nhưng có thể ghi âm luôn giọng nói để bài giảng học sinh có thể xem lại bất cứ lúc nào. Tương tự, nhiều buổi học tương tác trực tuyến (online meetings) cũng được ghi lại, tải lên Google ClassRoom để học sinh xem lại nếu bỏ lỡ.
Mỗi ngày trôi qua, giáo viên lại khám phá một ứng dụng mới để chia sẻ cũng nhau, làm bài học hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nội dung các hoạt động vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Mô tả thêm về cách thức tổ chức dạy học online tại VFIS. Cũng từ giữa tháng 2, nhà trường tiến hành các buổi dạy tương tác online theo lịch thời khóa biểu. Tuy nhiên, thay vì học sinh học 45 phút liên tục trước màn hình cùng với giáo viên, thì bài học tương tác này chỉ kéo dài từ 20 đến 25 phút.
Sau đó, học sinh dừng làm các bài tập trên giấy, vận động, thư giãn. Tuy nhiên, cách thức này khá khó khăn đối với học sinh lớp 1, 2 và một số học sinh lớn hơn nhưng thiếu năng lực tập trung. Học sinh nhỏ chưa tự kiểm soát được các thiết bị, nên dễ gây tiếng ồn, có các hành vi gây gián đoạn việc dạy của giáo viên, việc học của các học sinh khác.
Do đó, từ giữa tháng 3, nhà trường đã quyết định chia nhỏ lớp thành 3 đến 4 nhóm, với số lượng từ 4 – 7 em/nhóm, ở các môn chính như Toán, tiếng Việt, tiếng Anh và Khoa học. Thời gian gặp gỡ online của học sinh với giáo viên ít hơn nhưng hiệu quả hơn, đúng phương châm của nhà trường từ trước đến nay “Less is more” (Ít hơn nhưng hiệu quả hơn).
Với số lượng học sinh ít, giáo viên kiểm soát được lớp, nhắc nhở, kiểm tra được mức độ tiếp thu bài của học sinh ngay trong giờ học.
Tự chủ học thuật là tinh thần đặc trưng của nền giáo dục Phần Lan. Tại VFIS, nhà trường cũng đặt niềm tin vào giáo viên, trao quyền cho họ trong việc thực hiện các phương pháp dạy học. Vì vậy, việc tổ chức dạy học online (hay khi dạy trực tiếp) dù có những hướng dẫn chung nhất định, nhưng giáo viên vẫn có quyền tự quyết về cách thực triển khai sao cho hiệu quả nhất với nhóm học sinh mà mình phụ trách.
Với một vài lớp, một số giờ học, giáo viên thấy học sinh có khả năng tham gia học online tốt (tập trung, không làm phiền học sinh khác, làm theo hướng dẫn của giáo viên…), thì giáo viên có thể tổ chức cả lớp cùng tham gia tương tác.
Thời gian cho học sinh khối 3 có thể kéo dài từ 35 đến 55 phút. Giáo viên cũng có quyền bổ sung các ứng dụng công nghệ, để làm bài dạy của mình hấp dẫn, phong phú hơn, học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động hơn. Liều lượng cụ thể do giáo viên tự quyết định dựa trên nhận định chuyên môn của mình.
Ban Giám hiệu có giám sát các bài dạy, góp ý điều chỉnh khi cần thiết. Giáo viên họp hàng tuần để chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.
Việc dạy học trực tuyến tại VFIS cũng mang tinh thần cá nhân hóa như việc dạy trực tiếp. Việc các lớp chia nhóm nhỏ, học sinh muốn tham gia lại bài học (nếu còn lịch), không gây ảnh hưởng đến các học sinh khác, giáo viên đều đồng ý.
Học sinh bị bỏ lỡ bài học ở nhóm của mình, cũng có thể tham gia lại ở các nhóm sau. Với các học sinh có khó khăn học tập, giáo viên giáo dục đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm có thể hỗ trợ riêng, thêm các giờ học trực tuyến.
Điều này thực chất cũng diễn ra trong quá trình học trực tiếp tại trường. Vì vậy, giáo viên không cảm thấy đó là thêm việc. Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ, nếu họ cũng nhận thấy học sinh thực sự cần. Nói cách khác, việc học tập cá nhân hóa được đẩy mạnh tại VFIS. Hiệu quả cũng được coi trọng hơn số lượng.
Trong khi nhiều trường quốc tế lẫn song ngữ, gần như không thể tổ chức việc tương tác trực tuyến (online meetings) giữa giáo viên nước ngoài và học sinh toàn lớp, hoặc theo nhóm nhỏ ở tiểu học thì VFIS đã làm được điều này.
Việc giảng dạy của giáo viên Việt Nam, Phần Lan và quốc tế diễn ra song song, phản ánh đúng như thực tiễn dạy học trực tiếp. Điều này cũng phản ánh tinh thần hợp tác, bình đẳng trong môi trường giáo dục mà VFIS đang rất nỗ lực xây dựng được trong khoảng nửa năm học.
Ở một điều kiện khó khăn, một ngôi trường có tuổi đời chưa tròn 1, tập thể sư phạm VFIS đã rất nỗ lực để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả nhất có thể. Giáo viên ghi nhận tất cả tiến bộ của học sinh, và xem đó là thành quả quý giá.
Tất cả những thiếu hụt của học sinh đều có thể bù đắp khi học sinh quay lại trường. Sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là một hành trình dài, thông qua nhiều hoạt động và bối cảnh khác nhau.
Trong đại dịch, VFIS tận dụng bối cảnh này để dạy những điều, mà bối cảnh thông thường có thể phải để lại sau, hoặc mất nhiều thời gian mới đạt được.
Việt Dũng